Trong quá trình chơi các môn thể thao đồng đội, người chơi khi tham gia đều được phân chia vị trí rất rõ ràng với những nhiệm vụ khác nhau. Đối với một trận đấu bóng rổ điển hình, sẽ có 5 vị trí cơ bản tương ứng với 5 cầu thủ tham gia thi đấu chính thức trên sân. Nếu như theo bóng rổ truyền thống trước đây, mỗi người chơi sẽ đảm nhận một vị trí khác nhau. Đồng thời phải bám sát nhiệm vụ trong suốt thời gian diễn ra trận đấu. Tuy nhiên, bóng rổ ngày nay đã có sự thay đổi rất nhiều. Các cầu thủ bóng rổ đều có thể chơi ở hai hoặc các vị trí trong bóng rổ cùng một lúc. Nếu bạn là một “newbie” (người mới) và vẫn chưa xác định được vị trí phù hợp với mình nhất trên sân bóng? Trong bài viết dưới đây OKZ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các vị trí trong bóng rổ và vai trò của từng vị trí. Bạn hãy tham khảo và xem xét bản thân hợp với vị trí nào nhất nhé!
Hậu vệ dẫn bóng (Hậu vệ điều phối bóng) – Point Guard (PG)
Đây là vị trí quan trọng nhất trong bóng rổ (hay còn được gọi là vị trí số 1). Vị trí PG chịu trách nhiệm chủ động dẫn dắt, phát động các đợt tấn công và kiến tạo. Nhiệm vụ của họ là sắp xếp đội hình tấn công theo chiến thuật, quan sát hướng di chuyển của đối thủ và đồng đội. Từ đó có thể đưa ra những đường chuyền giúp đồng đội có thể ném rổ ghi điểm hoặc tự mình ghi điểm. Đối với những cầu thủ chơi ở vị trí này thường sở hữu tốc độ tốt, kỹ thuật nhanh nhạy.
Là một PG giỏi, bạn cần phải có tầm nhìn. Đồng thời phải có khả năng phán đoán và phân tích trước được các tình huống sẽ xảy ra. Hơn thế nữa, PG cần được trang bị kỹ thuật dẫn bóng tốt. Họ được xem như là “nhạc trưởng” trong các pha tấn công của toàn đội. Những hậu vệ dẫn bóng nổi tiếng trên thế giới được nhiều người vô cùng ngưỡng mộ như Kyrie Irving, Magic Johnson, Chris Paul, Stephen Curry, Rajon Rondo… Hay ở tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến Nguyễn Phú Hoàng, Ngô Tuấn Trung, Nguyễn Tuấn Tú…
Bạn cần phát triển thêm về các yếu tố sau đây để trở thành một PG chuyên nghiệp.
- Trang bị kỹ thuật dẫn bóng và qua người.
- Có tầm nhìn.
- Có tố chất lãnh đạo.
- Tinh thần đoàn kết vì đồng đội.
Hậu vệ ném bóng ghi điểm – Shooting Guard (SG)
Đây là vị trí số 2. Sở trường của một SG là đột phá và kết thúc bằng một cú nhảy ném hay những pha ném bóng cực đẹp và chính xác từ ngoài vòng 3 điểm. Ngoài ra, hậu vệ ném bóng ghi điểm cũng cần có kỹ năng cầm bóng, dẫn bóng và chuyền bóng tốt, sẵn sàng để xâm nhập vành rổ đối phương hoặc kiến tạo. Hậu vệ ghi điểm có thể coi là người đa năng và “hoàn hảo” nhất trong mỗi đội bóng. Họ sẽ phải tự tìm khoảng trống và tự tạo cơ hội cho mình. Các cầu thủ chơi ở vị trí SG luôn là những người có kĩ thuật cá nhân đặc biệt xuất sắc, khả năng xoay sở tốt và có thể định đoạt trận đấu.
Những hậu vệ ghi điểm SG nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Michael Jordan, Kobe Bryant, Dwayne Wade, James Harden, Klay Thompson…
Để trở thành một SG thực thụ, bạn cần sở hữu và rèn luyện những tố chất sau:
- Sự nhanh nhẹn trong quá trình di chuyển, nhanh nhẹn trong suy nghĩ….
- Kỹ năng dẫn bóng và kiểm soát bóng tốt.
- Tỉ lệ ghi điểm (Field Goal) cao.
- Khả năng di chuyển linh hoạt ở 2 bên cánh.
Tiền phong hàng ngoài – Small Forward (SF)
Đừng để từ “Small – nhỏ” này đánh lừa bạn. Vị trí SF (còn gọi là Tiền đạo phụ) không nhất thiết phải dành cho cầu thủ có vóc dáng nhỏ nhắn. Khu vực hoạt động của vị trí này ở bên trong khu vực 3 điểm và vùng trung tâm hình thang (forward and center). Người chơi ở vị trí SF cần phải có kinh nghiệm, sự hăng hái và tốc độ. Một SF cần phải sở hữu kỹ thuật qua người khéo léo, ném chuẩn, luôn sẵn sàng bắt bóng bật bảng chớp nhoáng và chạy nhanh.
Những tiền phong hàng ngoài nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Larry Bird, LeBron James, Kevin Durant, Kwhi Leonard, Andre Iguodala…
Để trở thành một SF giỏi, bạn cần có các yếu tố sau đây:
- Khả năng dẫn bóng ổn định.
- Khả năng ghi điểm cả trong lẫn ngoài.
- Yêu cầu về tốc độ lẫn sự chính xác.
Tiền phong hàng trong– Power Forward (PF)
Vị trí PF (còn gọi là Tiền đạo chính) rất cần yếu tố sức mạnh và sự bền bỉ. Cầu thủ PF nhìn chung là một cầu thủ có thể bắt bóng bật bảng giỏi và có khả năng phòng thủ chặt chẽ nhất. Vị trí này vừa chịu nhiệm vụ phòng thủ, hỗ trợ trung phong trong kèm người và bắt bóng bật bảng, vừa có nhiệm vụ ghi điểm, với những cú ném thường trong khu vực ném 2 điểm. Tuy nhiên, bóng rổ đang có sự chuyển dịch. Ngày càng có nhiều tiền phong chính có khả năng ném 3 điểm tốt, như Dirk Nowitzki, Channing Frye. Đây là vị trí yêu cầu có thể hình, chiều cao cũng như sức mạnh.
Để trở thành PF, bạn cần rèn luyện các yếu tố sau:
- Kỹ năng phòng thủ chặt chẽ.
- Độ “cày trâu”.
- Sở trường bắt bóng bật bảng.
- Cải thiện khả năng cản phá các cú ném.
Vị trí trung phong – Center (C)
Khu vực hoạt động ở bên trong khu vực 3 điểm và vùng trung tâm hình thang (forward và center). Vị trí này thường được người cao to nhất đội đảm trách. Trách nhiệm lớn nhất và ưu tiên nhất của C là phòng thủ vòng rổ và bắt bóng bật bảng. Người chơi vị trí C hiếm khi di chuyển ra khỏi vòng ngoài. Do đó kĩ năng chính mà họ có thể phát huy là lên rổ hoặc nhảy ném. Trong chiến thuật bóng rổ, vị trí trung phong (C) được xem như là trục của toàn đội bóng. Cả đội luôn thi đấu xoay quanh vị trí quan trọng này. Để được chơi ở vị trí này, tiêu chí đầu tiên được yêu cầu chính là chiều cao vượt trội và thể hình to lớn.
Để đảm nhận tốt vị trí C, bạn cần có các yếu tố sau:
- Khả năng bắt bóng bật bảng tốt.
- Khả năng cản phá tốt.
- Có chiều cao vượt trội.
- Kĩ năng di chuyển trong khu vực cấm địa (post move).
Bài viết trên đây đã sơ lược lại các vị trí cơ bản trong môn thể thao này. Ngày nay, bóng rổ đã luôn không ngừng phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc cầu thủ kiêm thêm nhiều nhiệm vụ và các kỹ năng khác nhau. Do đó, cách chia các vị trí theo truyền thống cũng bị thay đổi. Mỗi vị trí đang dần hòa trộn vào nhau. Hay nói cách khác, ta có thể thấy cầu thủ hiện đại đang dần trở nên đa năng và toàn diện hơn.
Nguồn: Bongrovietnam.com